Tên lửa chống hạm 3M-54E (phiên bản tên lửa Kalibr của Nga) có phương thức bay độc đáo, rất khó đánh chặn, tiên tiến hơn tên lửa chống hạm của Trung Quốc. So với các vũ khí khác của quân đội Việt Nam, tên lửa này trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo là mối đe dọa lớn nhất với đối thủ ở Biển Đông.
Đài Loan đang trở thành con bài chính để Mỹ kiềm chế Trung Quốc
- Cập nhật : 27/12/2017
Quan hệ Trung - Mỹ xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn sau những động thái của cả Bắc Kinh và Washington liên quan đến vấn đề Đài Loan...
Lấy lý do Triều Tiên để tăng cường hiện diện quân sự
Tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ John Richardson hôm 19/12 cho biết, nước này đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở tây Thái Bình Dương để đối phó với những mối đe dọa đang ngày càng gia tăng trong khu vực.
Theo đó, các nhóm tàu chiến của Hạm đội 3 ở đông Thái Bình Dương có thể sẽ được triển khai để hỗ trợ cho các lực lượng hải quân thuộc Hạm đội 7 ở tây Thái Bình Dương.Mặc dù vậy, Đô đốc John Richardson lại không nói rõ khi nào và có bao nhiêu tàu chiến sẽ được triển khai tăng cường.
Nói về mối đe dọa gia tăng trong khu vực, tướng Richardson đã nhấn mạnh đến việc Triều Tiên đang ngày càng tạo ra những thách thức nguy hiểm bởi chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này.
Vì vậy Hoa Kỳ cần phải triển khai lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của người viết, thì Hoa Kỳ đang dựa vào vấn đề Triều Tiên để củng cố sức mạnh của Hạm đội 7 ở tây Thái Bình Dương, nhằm đối phó với những thách thức từ Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Từ lâu Trung Quốc vẫn coi Đài Loan như là một tỉnh ly khai thuộc lãnh thổ của mình và kiên quyết thực hiện chính sách “một nước Trung Quốc”.
Đây là nhận thức chung mà lãnh đạo 2 bờ eo biển Đài Loan đã đạt được năm 1992: "một nước Trung Quốc, tùy cách hiểu mỗi bên".
Trung Quốc xem "một Trung Quốc" là quốc gia do chính thể Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa thành lập từ năm 1949 lãnh đạo; còn Đài Loan xem "một Trung Quốc" là quốc gia do chính thể Trung Hoa Dân quốc thành lập năm 1911 lãnh đạo.
Tuy nhiên, chính quyền đảo Đài Loan chưa bao giờ từ bỏ ý định trở thành một quốc gia độc lập tách khỏi Trung Quốc đại lục, nhất là từ khi bà Thái Anh Văn - thuộc Đảng Dân tiến trở thành người đứng đầu hòn đảo này kể từ năm 2016.
Trong khi đó, Hoa Kỳ tuy luôn lên tiếng ủng hộ chính sách “một nước Trung Quốc” nhưng lại thiết lập mối quan hệ đồng minh thông qua Đạo luật quan hệ Đài Loan vào năm 1979, để cung cấp các nhu cầu về quốc phòng và cam kết sẽ giúp đỡ Đài Loan tự vệ trước bất kỳ sự tấn công nào từ bên ngoài.
Cam kết này càng được minh chứng rõ hơn trong chiến lược an ninh mới của Hoa Kỳ công bố hôm 18/12, khi Washington đưa Đài Loan vào diện những nước được Hoa Kỳ “ưu tiên cao” về an ninh và quân sự.
“Hoa Kỳ sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với Đài Loan theo chính sách ‘Một Trung Quốc’, bao gồm các cam kết theo Đạo luật quan hệ Đài Loan nhằm cung cấp cho nhu cầu quốc phòng hợp pháp của Đài Loan và ngăn chặn sự ép buộc”, tài liệu viết. [1]
Việc đề cập đến thuật ngữ “ngăn chặn sự ép buộc” ở đây có thể là nhắm đến Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang thực hiện những nỗ lực để cô lập và gây áp lực đối với Đài Loan trong hơn một năm qua, kể từ khi bà Thái Anh Văn kiên quyết không thừa nhận “nhận thức chung 1992” về nguyên tắc “một nước Trung Quốc”.Điều này cho thấy, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan theo các điều khoản quân sự trong Đạo luật quan hệ Đài Loan, thậm chí còn tạo ra áp lực đối với Trung Quốc thông qua sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.
Trong chuyến thăm Hawaii và đảo Guam hồi cuối tháng 10, bà Thái Anh Văn đã ca ngợi mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ đang ở trong giai đoạn “tốt đẹp hơn bao giờ hết”.
Bởi vậy, tuyên bố của Tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ John Richardson về việc tăng cường sức mạnh cho Hạm đội 7 ở tây Thái Bình Dương có thể là một động thái củng cố lòng tin của Đài Loan, chứ không hẳn chỉ là vấn đề Triều Tiên như nhiều chuyên gia nhận định.
Mục tiêu chính để kiềm chế Trung Quốc
Đài Loan có vị trí địa chiến lược rất quan trọng đối với Bắc Kinh, bởi nước này nằm giữa tuyến đường biển ra tây Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ra tây Thái Bình Dương, thì buộc phải kiểm soát được Đài Loan, trái lại, sẽ là một thách thức đối với tham vọng của Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự gần bán đảo Đài Loan, bằng việc đưa các chiến đấu cơ Su-30, máy bay ném bom H-6K và máy bay trinh sát Tu-154 liên tục “tuần tra” vây quanh không phận Đài Loan.
Động thái quân sự này của Bắc Kinh được giới chuyên gia nhận định là “rất bất thường” nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo để có thể tấn công Đài Loan, tiến tới thống nhất Trung Quốc khi cần thiết.
Trong khi, Hoa Kỳ lại đang nắm giữ vai trò rất lớn phía sau hậu trường liên quan đến vấn đề eo biển Đài Loan.
Chính vì lẽ đó, giới phân tích Trung Quốc cho rằng, việc Hoa Kỳ có kế hoạch tăng cường các nhóm tàu chiến đến tây Thái Bình Dương là nhằm kiềm chế tham vọng và sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.
Chuyên gia Tống Trung Bình - một nhà bình luận quân sự cho đài truyền hình Phoenix của Hồng Kông nhận định:
“Hải quân và không quân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy nếu Hoa Kỳ tăng cường triển khai quân sự ở tây Thái Bình Dương.Bởi nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ triển khai thêm từ 4 đến 6 nhóm tàu sân bay đến khu vực”. [2]
Rõ ràng, động thái gia tăng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương nhắm mục tiêu đến Trung Quốc là hoàn toàn có căn cứ thực tế.
Bởi chính chiến lược an ninh mới đây của Hoa Kỳ cũng đã chỉ ra thách thức số một đối với an ninh của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Nga.
Đồng thời không ngần ngại khi gọi hai quốc gia này là “những cường quốc xét lại”.
Thực tế trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng đang cảm thấy bị áp lực trước sự phát triển mạnh mẽ của các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc, trong khi yêu cầu đặt ra là phải “hỗ trợ” được Đài Loan trước những sức ép từ Trung Quốc.
Bởi vậy, việc tăng cường hiện diện quân sự của Washington trong khu vực cũng không phải là điều bất ngờ.
Vì suy cho cùng, Hoa Kỳ cũng chỉ muốn eo biển Đài Loan ở vào tình trạng có lợi nhất cho họ.
Đó là không thống nhất vào Trung Quốc và cũng không độc lập.
Bởi điều này sẽ khiến Trung Quốc và Đài Loan tự kìm hãm lẫn nhau, trong khi Hoa Kỳ vẫn duy trì được ảnh hưởng lớn đối với Đài Loan, từ đó tạo nên chướng ngại vật ngăn chặn Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng ra tây Thái Bình Dương.
Tương lai Trung - Mỹ dự báo nhiều căng thẳng
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, thực hiện chính sách “nước Mỹ trước tiên”, thì quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh có nhiều dấu hiệu của sự kiềm chế lẫn nhau.
Đầu tiên phải kể đến việc Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc đứng đằng sau chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, khi không thực hiện nghiêm túc lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng, trong khi Bắc Kinh luôn phủ nhận cáo buộc này.
Tiếp đến là cuộc chiến thương mại giữa hai nước, khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ và khởi động cuộc điều tra theo Khoản 301, Đạo luật thương mại 1974 của Hoa Kỳ.
Đồng thời chỉ trích Trung Quốc đối xử không công bằng đối với các công ty Mỹ, khi Bắc Kinh thực hiện chính sách bảo hộ cho các công ty trong nước dẫn đến thâm hụt thương mại về phía Hoa Kỳ lên tới 347 tỷ USD trong năm vừa qua.
Mới đây nhất, Hoa Kỳ công bố chiến lược an ninh mới với nhiều tình tiết coi Trung Quốc là đối thủ, vì cho rằng Bắc Kinh đang “cố gắng ăn mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”.
Điều này đã khiến Trung Quốc giận dữ và cáo buộc Hoa Kỳ đang đưa quan hệ giữa các nước lớn trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo đó, tướng Lưu Nguyên, cựu Chính ủy Tổng cục Hậu cần của quân đội Trung Quốc nhận định rằng, trong năm 2018, quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể sẽ có những bất ổn.
“Những sự bất ổn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ liên quan đến vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là vấn đề Đài Loan, bởi Đài Loan là mối quan tâm và là câu hỏi lớn nhất của Trung Quốc.
Bây giờ Hoa Kỳ đang kích động Trung Quốc về câu hỏi đó và chạm vào điểm mấu chốt của Trung Quốc, vì vậy không có gì là chắc chắn”, tướng Lưu Nguyên nói. [3]
Tướng Lưu Nguyên dùng thuật ngữ “không có gì là chắc chắn” để nói về phản ứng cao nhất của Trung Quốc có thể ám chỉ về một hành động quân sự nếu mọi thứ vượt quá “giới hạn đỏ”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định rằng:
Mặc dù xuất hiện những dấu hiệu có thể dẫn đến căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ liên quan đến những vấn đề trong khu vực, nhưng hai bên vẫn có khả năng kiểm soát được tình hình để tránh xảy ra xung đột.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được dự báo sẽ diễn ra gay gắt hơn trong thời gian tới, khi Hoa Kỳ công bố kết quả điều tra về những nghi ngờ liên quan đến việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ và bán phá giá thép.
Theo đó, Washington có thể đánh thuế mạnh đối với các loại hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, trái lại Bắc Kinh cũng có thể sẽ tìm cách trả đũa, từ đó dẫn đến nguy cơ làm tổn hại cả hai nền kinh tế.
Tóm lại, sau những động thái của cả Bắc Kinh và Washington liên quan đến vấn đề Đài Loan, cùng ý định tăng cường sự hiện diện quân sự ở tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã khiến quan hệ Trung - Mỹ xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn.
Nếu hai bên không có những điều chỉnh kịp thời thì nguy cơ bị đẩy lên căng thẳng, xung đột trong tương lai là điều khó tránh khỏi.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3323462
[2] https://sputniknews.com/military/201712201060151346-north-korea-china-buildup-pacific/
[3] http://english.chinamil.com.cn/view/2017-12/18/content_7872579.htm
PHẠM DOÃN TÌNH
Theo Giáo Dục Việt Nam