Hôm nay (17/10), Thủ tướng Australia, Julia Gillard có cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ ông Manmohan Singh để đàm phán về việc mua bán urani nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Ấn Độ trong chương trình năng lượng nguyên tử.
Mục đích Nhật-Ấn tăng cường hợp tác an ninh-quốc phòng
- Cập nhật : 12/10/2016
Trước quan ngại chung về việc Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến lược tiến ra đại dương, Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường đối thoại và hợp tác về quốc phòng.
Nhật Bản và Ấn Độ ngày 22/10 đã tiến hành cuộc đối thoại cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng lần thứ hai tại Tôkiô. Theo báo "Nihon Keizai" (Nhật Bản), hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng và sẽ tiến hành đối thoại cấp vụ trưởng về an ninh biển trong năm nay. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có quan ngại chung về việc Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến lược tiến ra đại dương. Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vào ngày 15/11 tới, Tôkiô muốn tăng cường quan hệ với Ấn Độ nhằm kiềm chế Trung Quốc, nước đang phản ứng mạnh trước quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Chính phủ Nhật Bản. Ấn Độ là nước có chung quan điểm về dân chủ và pháp trị với Nhật Bản, đồng thời nắm “chìa khóa” đảm bảo an ninh tuyến đường biển nối Nhật Bản với Trung Đông. Ấn Độ đang cảnh giác trước chiến lược tiến ra Ấn Độ Dương và Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời đối lập với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Kashmir và vấn đề Tây Tạng.
Tại cuộc đối thoại 2 + 2 lần này, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã giải thích tình trạng đối đầu Nhật-Trung tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quan điểm hướng tới giải quyết hòa bình vấn đề này dựa trên luật pháp quốc tế. Một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết phía Ấn Độ đã “rất chăm chú lắng nghe”. Về cuộc huấn luyện chung đầu tiên giữa Hải quân Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản hồi tháng 6, hai bên đã đánh giá “cực kỳ tốt” và nhất trí sẽ tiến hành các cuộc huấn luyện tương tự trong thời gian tới. Hai bên cũng xác định hợp tác an ninh, quốc phòng trong các lĩnh vực mới như vũ trụ và không gian mạng. Hợp tác an ninh Nhật-Ấn đã chính thức đi vào hiện thực từ “Tuyên bố chung về hợp tác an ninh” đã được công bố tháng 10/2008 dưới thời Thủ tướng Taro Aso. Trong bài diễn thuyết khi thăm Ấn Độ cuối năm ngoái, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã nhấn mạnh: “Nhật Bản và Ấn Độ có lợi ích quan trọng trong an ninh trên biển, bao gồm an ninh đối với các tuyến hàng hải”.
Trung Quốc đang liên tiếp xây dựng các cảng biển với tên gọi “chuỗi vòng cổ ngọc trai” mà Hải quân nước này có thể sử dụng tại các nước láng giềng của Ấn Độ như Bangla Đét, Xri Lanca nhằm mở rộng mạng lưới căn cứ để tiến ra biển. Hành động cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông là một yếu tố chính đe dọa tuyến đường biển giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Tại các khu vực gần đường ranh giới kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc, quân đội Trung Quốc thường xuyên có hành động xâm phạm. Ấn Độ đang tăng cường sức mạnh kiềm chế Trung Quốc, như đã phóng thành công tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới toàn lãnh thổ Trung Quốc. Một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết Mỹ cũng hoan nghênh việc Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường quan hệ an ninh, coi đó là sự nhất quán với việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Ba nước Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ dự kiến tiến hành hội đàm cấp vụ trưởng tại Ấn Độ vào cuối tháng này để bàn về tình hình khu vực châu Á. Các nước này cũng tính đến việc hợp tác với các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông./.
Lê Sơn (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông