Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có kế hoạch trang bị hiện đại cho Không quân, nhất là nâng cao khả năng tấn công của các máy bay chiến lược và chiến thuật.
Mỹ tập trung chi phí quốc phòng cho chiến trường châu Á-Thái Bình Dương
- Cập nhật : 12/10/2016
Bất chấp việc quốc hội cắt giảm chi phí quốc phòng mạnh theo Luật kiểm soát ngân sách năm 2011, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn dành ưu tiên chi phí quốc phòng cho chiến trường châu Á-Thái Bình Dương với các kế hoạch mua thêm vũ khí và các hệ thống trang thiết bị quân sự tiên tiến để sẵn sàng chiến đấu ở khu vực này trong thập kỷ tới.
Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch mua thêm vũ khí và trang thiết bị quân sự cho chiến trường châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực chủ yếu là biển và cần đến các hệ thống vũ khí tầm xa và tàng hình. Những loại vũ khí này ít khi được sử dụng để chiến đấu trong thập kỷ qua.
Thậm chí ngay trong lúc Bộ này phải chuẩn bị cho việc cắt giảm ngân sách, Lầu Năm Góc vẫn có kế hoạch mua thêm máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và máy bay trinh sát trong những năm tới, trong khi vẫn bắt đầu phát triển các hệ thống vũ khí mới như máy bay ném bom tầm xa.
Phát biểu ngày 3/10 tại Trung tâm Woodrow Wilson, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Carter nói: “Với việc kết thúc cuộc chiến Iraq và đang chuyển giao trách nhiệm cho chính phủ Afghanistan, chúng ta được giải phóng nhiều khả năng quốc phòng trước đây bị kẹt cho những nhiệm vụ khác, như thúc đẩy hòa bình và tăng cường đối tác ở châu Á Thái Bình Dương. Các lực lượng hải quân được giải phóng khỏi chiến trường Afghanistan và Trung Đông bao gồm lực lượng chiến đấu trên mặt nước, các tàu đổ bộ và cả các tàu sân bay”. .
Thứ trưởng Carter nói thêm rằng lực lượng không quân Mỹ sẽ chuyển giao các hệ thống điều khiển máy bay không người lái, máy bay ném bom và lực lượng vũ trụ sang khu vực Thái Bình Dương. Lực lượng không quân cũng đang đầu tư vào phát triển loại máy bay tiếp nhiên liệu trên không, Boeing KC-46. Đồng thời lục và hải quân sẽ được tăng cường “cho các nhiệm vụ mới ở các khu vực khác.”
Máy bay tiếp nhiên liệu trên không, Boeing KC-46 |
Hải quân sẽ lắp thêm các nòng phóng tên lửa lớn cho các tầu ngầm lớp Virginia để cho các tầu ngầm này có thể chuyên chở các tên lửa hành trình, các loại vũ khí khác và các loại tầu ngầm cỡ nhỏ. Hải quân sẽ tiếp tục chương trình mua những chiếc máy bay lên thẳng Sikorsky MH-60, máy bay tuần tra biển Boeing P-8A và máy bay viễn thám không người lái khu vực biển rộng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có kế hoạch đầu tư vào việc tăng cường khả năng mạng, vũ trụ và điện tử.
Các binh chủng không quân, hải quân và các binh đoàn lính thủy đánh bộ đều có kế hoạch mua thêm các máy bay tiêm kích đa năng F-35 trong các năm tới.
Những ưu tiên về chi phí quốc phòng này phù hợp với chiến lược quân sự mới do Bộ Quốc phòng công bố tháng 1/2012. Một trong những nguyên lý quan trọng của chiến lược mới này là làm cho quân đội có khả năng chiến đấu trong một không gian chiến tranh hoặc bị từ chối. Những cuộc chiến tranh trong thập kỷ qua ở Iraq và Afghanistan đã được tiến hành trong không gian ôn hòa, cho phép tất cả các loại máy bay bay mà ít gặp nguy cơ bị bắn rơi.
Tuy nhiên các khoản cắt giảm ngân sách là một mối quan ngại lớn. Lầu Năm Góc đang tiến hành cắt giảm 478 tỷ USD trong khoản chi dự kiến cho cả thập kỷ tới. Nhưng vấn đề lớn hơn là khả năng phải cắt giảm thêm 500 tỷ nữa trong số chi phí dự kiến cho 10 năm tới. Những khoản cắt giảm đó mang tính bắt buộc theo Luật kiểm soát ngân sách năm 2011 như là một cách để Mỹ giảm thâm hụt ngân sách. Các khoản ngân sách này theo kế hoạch sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 1/2013.
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng các tướng cao cấp khác lập luận rằng mức độ cắt giảm này sẽ làm tổn thương đến khả năng phản ứng nhanh của quân đội Mỹ. Họ cũng nói rằng Bộ Quốc phòng sẽ phải cần vạch ra một chiến lược quân sự mới nếu ngân sách bị cắt giảm thêm.
Sikorsky MH-60 cho Hải quân Mỹ |
Giới công nghiệp nói rằng cắt giảm chi phí sẽ dẫn đến những đợt dãn thợ ồ ạt mặc dù các nhà phân tích và quan sát quốc phòng cho rằng những khoản cắt giảm đó sẽ không có tác động ngay sau vài năm và sẽ không nặng nề như người ta nói.
Trong khi nhiều người trong quốc hội lên tiếng phản đối mức độ các khoản cắt giảm quốc phòng, không có khă năng đạt được một thỏa thuận toàn diện cho việc giảm các khoản nợ công của Mỹ. Quốc hội Mỹ nghỉ họp từ tháng 9 để các nghị sỹ có thể đi vận động cho các cuộc bầu cử vào tháng 11. Cuộc bầu cử tổng thống cũng đang đến gần và có thể sẽ có thay đối trong chính sách chi tiêu.
Các cố vấn của ứng cử viên tổng thống của phe Cộng Hòa, Mitt Romney đã nói rằng cựu thống đốc bang Massachusetts sẽ lật lại toàn bộ các khoản chi tiêu quốc phòng bị cắt giảm ngay sau khi nhậm chức.
Roger Zakheim, một trong số cố vấn cao cấp của Romney về quốc phòng nói rằng, một chính quyền của Romney sẽ ấn định chi phí lên tới 4% GDP của Mỹ cho ngân sách quốc phòng cơ bản.
Trong kiến nghị ngân sách cho năm tài chính 2012 của mình, ngân sách cuối cùng khi các khoản cắt giảm đầu tiên về chi phí quốc phòng được công bố, Lầu Năm Góc đã đề nghị chi phí quốc phòng trong giai đoạn từ 2013 đến 2017 là 2,99 nghìn tỷ USD. Dự kiến đó đã bị quốc hội Mỹ cắt đi 259 tỷ USD sau khi Luật kiểm soát ngân sách được thông qua năm 2011.
Nếu ông Romney thắng cử, chính quyền mới của ông khó có thể đưa ra một ngân sách quốc phòng cho đến mùa Xuân tới, như nó đã từng bị phản đối đầu tháng 2/2012.