Tập đoàn Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc tung video giới thiệu hàng loạt vũ khí hiện đại dành cho thị trường xuất khẩu.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 20/3 đăng bài viết "Thiếu tướng Quân đội Trung Quốc: Tàu sân bay Nhật Bản đến Biển Đông cần tuân thủ quy tắc, Quân đội Trung Quốc đang canh chừng" của học giả Trung Quốc, Thiếu tướng đã nghỉ hưu Doãn Trác.
Theo bài viết, tàu sân bay trực thăng Izumo là tàu chiến lớn nhất Nhật Bản, sẽ đến Biển Đông vào tháng 5/2017. Trong lịch sử, từng có một chiếc tàu chiến Nhật, cũng mang tên là Izumo.
Chiếc tàu chiến đó hoàn toàn không xa lạ với nhân dân Trung Quốc, bởi vì, trong lịch sử, nó được Nhật Bản điều động đến tham chiến ở Thượng Hải, Trung Quốc - với vai trò Kỳ hạm ở nước ngoài đầu tiên của Hải quân Nhật Bản và đã tham gia nhiều chiến dịch.
Trước sau trận chiến 13/8/1937, tàu Izumo tham gia tấn công Trung Quốc, đã dùng đại pháo bắn phá ác liệt vào trận địa của quân đội Trung Quốc, yểm trợ cho quân đội Nhật tấn công.
Khi đó, tàu Izumo còn bắn phá các nhà máy, trường học và nhà dân ở Thượng Hải, gây ra tổn thất to lớn cho sinh mạng và tài sản của nhân dân Trung Quốc.
Trong cuộc chiến này, phi công Trung Quốc đã lái máy bay va chạm với tàu Izumo và bị hy sinh. Ngoài ra, Trung Quốc còn điều thuyền máy đánh lén tàu Izumo, khiến cho con tàu này bị trọng thương.
Nhưng lực lượng đánh chìm nó lại là quân đội Mỹ, thời gian vào ngày 24/7/1945. Không thể tự đánh chìm tàu chiến Izumo là một "mối hận thù" lớn của quân đội Trung Quốc - Tướng học giả Doãn Trác cảm thấy khó chịu.
Mặc dù tàu Izumo đã chìm, nhưng tướng Doãn Trác cho rằng, "âm hồn" của nó không mất đi, “một số phần tử cánh hữu” Nhật Bản đã tận dụng cơ hội mở rộng quân đội để "mượn xác hoàn hồn".
Ngày 25/3/2015, một chiếc tàu chiến lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã được hạ thủy và lại được đặt tên là Izumo. Được biết, con tàu mới này dài 248 m, lượng giãn nước đầy 27.000 tấn, vượt tàu sân bay Phi Long của Hải quân Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vượt tàu sân bay trực thăng hoặc tàu sân bay hạng nhẹ của một số nước hiện nay, tương tự tàu tấn công đổ bộ của Mỹ.
Tàu này đã trang bị 3 hệ thống vũ khí tác chiến tầm gần Phalanx và 2 hệ thống phóng tên lửa RAM, ít nhất chở được 20 máy bay trực thăng, đồng thời đã dành không gian để chở máy bay cánh cố định F-35B, nó có tính tấn công.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hiến pháp Nhật Bản cấm Lực lượng Phòng vệ sở hữu tàu sân bay kiểu tấn công. Vì vậy Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản "thay hình đổi dạng", gọi tàu Izumo là "tàu hộ vệ".
Chính chiếc tàu chiến mang "danh tiếng" này gần đây lại muốn bắt đầu thực hiện một "chuyến đi xa" có phạm vi địa lý lớn nhất sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Doãn Trác cho rằng, điều này "không thể không cảnh giác".
Bởi vì theo ông Doãn Trác, Nhật Bản là một trong những nguồn gốc gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đến nay lại còn "chưa thức tỉnh sâu sắc" với tội ác chiến tranh của họ.
Hơn nữa, Nhật Bản lại là nước "đi xâm chiếm các nước Đông Nam Á và các đảo ở Biển Đông". Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong các văn kiện quốc tế, Nhật Bản đã từng cam kết: "rút khỏi Đài Loan, Bành Hồ và các đảo ở Biển Đông".
Các văn kiện quốc tế viết như vậy, nhưng không phải viết là những vùng lãnh thổ này đều thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc lại thường xuyên lấy cớ này để ngang ngược đòi chủ quyền các đảo, đá ngầm và quyền lợi biển ở Biển Đông – tức yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý.
Hiện nay, Nhật Bản quay trở lại Biển Đông, hơn nữa quay trở lại bằng quân sự. Vì vậy, Doãn Trác cho rằng, Nhật Bản muốn “lật án” lịch sử, làm đảo lộn trật tự chính trị, kinh tế quốc tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đây là điều mà các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc "không cho phép".
Như vậy, ông Doãn Trác đã kéo các nước châu Á - Thái Bình Dương vào để cho có "đồng minh" phản đối Nhật Bản điều tàu chiến đến Biển Đông. Trên thực tế, chưa có nước nào lên tiếng phản đối điều này.
Theo Doãn Trác, nếu tàu Izumo đi qua Biển Đông và đến thăm các nước Đông Nam Á thì nó phải tuân thủ các quy tắc quốc tế. Nếu đi vào cái gọi là "lãnh hải" Trung Quốc thì phải "đi qua vô hại", tức là "không gây thiệt hại cho hòa bình, an ninh và trật tự tốt đẹp của các nước ven biển", cũng "không vi phạm các quy tắc của luật pháp quốc tế, chạy liên tục và nhanh qua lãnh hải".
Doãn Trác cho rằng, tàu Izumo phải làm được "9 không", bao gồm:
Không được tiến hành bất cứ đe dọa vũ lực nào hoặc sử dụng vũ lực đối với "chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị" của các nước ven biển;
Không được dùng bất cứ loại vũ khí nào tiến hành tập luyện hoặc diễn tập;
Không được dùng bất cứ hình thức nào để thu thập tình báo làm cho quốc phòng hoặc an ninh của các nước duyên hải bị thiệt hại;
Không được tiến hành bất cứ hành vi tuyên truyền nào gây ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh các nước duyên hải;
Không được cất hạ cánh hoặc tiếp nhận bất cứ máy bay nào trên tàu;
Không được phóng, hạ cánh hoặc tiếp nhận bất cứ trang bị quân sự nào trên tàu;
Không được tiến hành hoạt động nghiên cứu hoặc đo đạc;
Không được tiến hành bất cứ hành vi nào gây nhiễu hệ thống thông tin hoặc các phương tiện, thiết bị khác của các nước ven biển;
Không được tiến hành bất cứ hoạt động nào khác không liên quan đến việc đi qua,
Đây không phải là "lễ nghĩa đặc biệt" dành cho tàu Izumo. Đây là "quyền lợi thiêng liêng" mà Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) dành cho Trung Quốc - tướng học giả Doãn Trác ngang nhiên coi Trung Quốc là chủ nhân duy nhất ở Biển Đông.
Doãn Trác kết luận rằng, phải "lập ra quy củ" cho tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản khi đi qua Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cần theo dõi chặt chẽ nhất cử nhất động của "kẻ thù cũ" này.
Doãn Trác yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản muốn thực hiện phòng vệ tốt ở "cửa nhà" của mình thì "đừng thò cái tay ra quá dài".
Phong Vân
Theo Viettimes.vn