Hiện nay, phần lớn các mẫu tăng chủ lực hiện đại sử dụng pháo nòng trơn 120 và 125 mm. Ngoại lệ chỉ có các xe tăng Challenger I và II của Anh, Arjun của Ấn Độ.
Tuyệt chiêu cứu mạng của tàu ngầm Pháp
- Cập nhật : 12/10/2016
Khi bị máy bay săn ngầm đẩy vào tuyệt cảnh, tàu ngầm Pháp có thể dùng A3SM để tự cứu mình khỏi cái chết mười mươi.
Ở triển lãm Euronaval 2012 ở Paris vừa qua, hãng đóng tàu DCNS (Pháp) đã giới thiệu 2 biến thể hệ thống tên lửa phòng không A3SM dùng để tàu ngầm đang lặn tự vệ.
Cả 2 biến thể A3SM đều được dùng để trang bị cho tàu ngầm thông thường bán cho khách hàng nước ngoài.
Biến thể thứ nhất là A3SM Mast, gồm một ống phóng quay bên trong chứa tên lửa của hệ thống phòng không Mistral của MBDA, được đưa lên bằng một cơ cấu cột tàu đặc biệt, bố trí tại khu vực các thiết bị thò lên/rút xuống của tàu ngầm (giống như kính tiềm vọng).
Việc nâng bệ phóng nhô lên trên mặt nước và phóng tên lửa phòng không thực hiện khi tàu ngầm đang lặn ở độ sâu sử dụng kính tiềm vọng.
Việc chỉ tị mục tiêu và ngắm bắn do kính tiềm vọng quang-điện tử được nâng nhô lên trên mặt nước đồng thời.
Hình ảnh A3SM Mast phóng tên lửa phòng không Mistral (trên ảnh, cột bên trái là kính tiềm vọng quang-điện tử dùng để chỉ thị mục tiêu và ngắm bắn, cột gắn bệ phóng xoay ở bên phải). |
DCNS cũng giới thiệu video clip một kịch bản quy trình tác chiến của A3SM Mast như sau: một tàu ngầm trang bị A3SM Mast bị trực thăng chống ngầm phát hiện, các động tác cơ động tránh né vô hiệu, tàu ngầm buộc phải sử dụng A3SM Mast để tự vệ khẩn cấp, tàu ngầm nổi lên độ sâu sử dụng kính tiềm vọng, kính tiềm vọng quang-điện tử và cột gắn bệ phóng xoay (lúc này bệ phóng ở trạng thái thẳng đứng cùng với cột) được nâng nhô lên trên mặt nước, bệ phóng xoay ngang, các nắp đậy 2 đầu ống phóng mở ra, kính tiềm vọng sục sạo phát hiện mục tiêu và ngắm bắn, sau đó tên lửa được phóng đi tiêu diệt một trực thăng chống ngầm; tiếp đó phát hiện tiếp một trực thăng chống ngầm khác; phóng tiếp một tên lửa tiêu diệt mục tiêu này, sau đó tàu ngầm rút hạ kính tiềm vọng và cột gắn bệ phóng rồi lặn xuống độ sâu an toàn.
Hãng DCNS đã tiến hành các thử nghiệm mặt đất tại trường thử đối với bệ phóng của A3SM Mast.
Về mặt khái niệm, biến thể A3SM Mast này của A3SM tương tự hệ thống tên lửa phòng không Vickers SLAM do Anh phát triển vào đầu thập niên 1970, sử dụng tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không mang vác Short Blowpipe. Năm 1972, hệ thống SLAM đã thử nghiệm thành công trên tàu ngầm bị thải loại của Anh Aeneas, nhưng cuối cùng không tìm được khách hàng.
Biến thể thứ hai của A3SM là A3SM Underwater Vehicle sử dụng tên lửa phòng không chế tạo dựa trên tên lửa không đối không tầm trung MICA của MBDA và có tầm bắn đến 20 km. Tên lửa được bố trí trong bệ phóng dạng ống phóng cáp-xun tương tự như bệ phóng dùng cho tàu ngầm phóng tên lửa chống hạm Exocet SM39 của MBDA và được bắn đi bằng ống phóng lôi tiêu chuẩn 533 mm.
Hình ảnh A3SM Underwater Vehicle tác chiến bằng tên lửa MICA |
Một kịch bản quy trình tác chiến của A3SM Underwater Vehicle được giới thiệu trong clip của DCNS như sau: một tàu ngầm trang bị A3SM Underwater Vehicle đang tuần tra thì bị trực thăng chống ngầm phát hiện, các động tác cơ động tránh né vô hiệu, tàu ngầm buộc phải sử dụng A3SM Underwater Vehicle để tự vệ khẩn cấp, tàu ngầm đang lặn sâu phóng đi tên lửa trong cáp-xun được phóng lên mặt nước; ra khỏi mặt nước, động cơ tên lửa khởi động đưa tên lửa bay tới bắn hạ trực trực thăng chống ngầm; sau đó, tàu ngầm tiếp tục hành trình tuần tra.
PM (theo DCNS, Bmpd, ĐVO)