Không quân Mỹ thuê nhiều tàu cá làm mục tiêu trong cuộc tập trận giả định nhằm đối phó với mối đe dọa từ các xuồng nhỏ gắn súng máy.
Việt Nam đã sở hữu phiên bản nào của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Spyder?
- Cập nhật : 15/03/2017
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm, Việt Nam đã đặt mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Spyder-MRdo Israel sản xuất.
Nguồn tin này cho biết, Việt Nam đã đặt mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Spyder-MR theo một hợp đồng ký năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại mới có duy nhất 1 tổ hợp được chuyển tới Việt Nam.
Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, tổ hợp Spyder được thiết kế để phục vụ cho việc tổ chức tác chiến phòng không theo phương thức tác chiến mạng trung tâm, tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng cơ động tự hành cao, chuyển cấp chiến đấu nhanh và ngắm bắn được nhiều mục tiêu cùng lúc.
Tổ hợp có khả năng tiêu diệt các loại mục tiêu bay gồm máy bay tiêm kích, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và các loại bom, đạn có điều khiển khác được phóng từ xa trong môi trường chế áp điện tử mạnh...
Spyder được trang bị khí tài trinh sát quang điện tử thụ động TOPLITE trên từng xe bệ phóng để đảm bảo khả năng phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho đạn tên lửa ngay khi xe đang hành tiến và trong trường hợp kênh trinh sát vô tuyến bị gây nhiễu.
Spyder sử dụng 2 loại đạn tên lửa: đạn tên lửa có đầu tự dẫn ra đa vô tuyến chủ động Derby và đạn tên lửa có đầu tự dẫn thụ động công nghệ ảnh nhiệt hồng ngoại 2 băng sóng Python-5.
Những đạn tên lửa này có thể được khí tài trinh sát mục tiêu trên xe chỉ huy hoặc trên xe bệ phóng chỉ thị mục tiêu trước khi phóng (Lock On Before Launch) khi mục tiêu nằm trong tầm bắt bám của đầu tự dẫn trên đạn tên lửa. Hoặc chúng tự phát hiện mục tiêu được chỉ định sau khi phóng (Lock On After Launch) khi mục tiêu nằm ngoài tầm bắt bám của đầu tự dẫn trên đạn tên lửa.
Spyder ứng dụng công nghệ truyền dữ liệu vô tuyến tự động qua băng sóng VHF/UHF, được mã hoá và kháng nhiễu giữa các xe trong tổ hợp và giữa tổ hợp với các bộ phận khác nhau của hệ thống phòng không hợp nhất từ khoảng cách 100 km.
Đây là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo mạng lưới thông tin chỉ huy kịp thời, chính xác, bí mật và an toàn của tổ hợp trong tác chiến phòng không hiện đại. Spyder có các tính năng chống chế áp điện tử để đối phó hiệu quả và triệt tiêu ưu thế của địch trong tất cả các khâu của tác chiến phòng không từ trinh sát, phát hiện mục tiêu, đảm bảo thông tin chỉ huy và chỉ huy xạ kích.
Hiện nay, Spyder có một số biến thể gồm phiên bản MR và SR. Theo giới thiệu, trong khi tổ hợp phòng không tầm trung Spyder-MR thích hợp để thay thế cho các hệ thống S-75 đã cũ, sắp hết niên hạn sử dụng và bổ sung, hỗ trợ, phối hợp với các tổ hợp Pechora-2TM đã nâng cấp, thì Spyder-SR lại là lực lượng hoàn toàn mới.
Các tổ hợp Spyder-SR đáp ứng hoàn hảo cho nhiệm vụ đánh mục tiêu bay thấp, là sự bổ sung kịp thời và đúng đắn cho lưới lửa phòng không nhân dân, phòng không tầm thấp vốn chủ yếu dựa vào pháo cao xạ, tên lửa tầm thấp (vác vai và tự hành bánh xích).
Hồi tháng 2/2017, trong năm 2016, Sư đoàn 377 đã hoàn thành xuất sắc việc huấn luyện, bắn đạn thật nghiệm thu, tiếp nhận triển khai tổ hợp tên lửa Spyder.
Thông tin này được xác nhận trong bài viết "Một số giải pháp tăng cường công tác rèn luyện kỷ luật ở Sư đoàn Phòng không 377" của Đại tá Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chính ủy Sư đoàn 377 đăng trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân số tháng 2/2017.
Như vậy, đây là lần đầu tiên một đơn vị quân đội thông tin chính thức về việc đã tiếp nhận các tổ hợp tên lửa Spyder đầu tiên theo hợp đồng đã ký với phía Israel.
Theo Báo Đất Việt