Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Tàu Trung Quốc bám đuôi tàu sân bay Mỹ ở biển Đông
Tin thế giới đáng chú ý chiều 03-10-2017
- Cập nhật : 03/10/2017
Nga chốt thời điểm sản xuất phương tiện không thể đánh chặn
Theo ông Ivan Antsev, đến năm 2019-2020, Nga sẽ chính tái sản xuất Ekranoplan - phương tiện bay không thể bị đánh chặn.
Tuyên bố này được Giám đốc điều hành của công ty chế tạo - Radar MMS - Ivan Antsev cho biết khi nói về trọng lượng và tính năng trên phiên bản mới của phương tiện bay Ekranoplan. Phương tiện Ekranoplan mới nhất với lượng rẽ nước 54 tấn.
Ekranoplan là phương tiện di chuyển siêu tốc pha trộn giữa máy bay hạng nặng và thuyền nhẹ. "Tại thời điểm này, chúng tôi phát triển một chiếc tàu Ekranoplan đa diện triển vọng thế hệ mới Chaika A-050 với trọng lượng rẽ nước 54 tấn và tải trọng 15 tấn, có thể giải quyết nhiều vấn đề khác nhau từ công việc vận tải đến nhiệm vụ đặc biệt như tìm kiếm cứu nạn, trinh sát...
Đây là phương tiện vận chuyển đa năng có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực cuộc sống và sử dụng trong tất cả các Bộ từ Bộ nội vụ, Bộ các tình huống khẩn cấp và Bộ Quốc phòng, Bộ giao thông vận tải", ông Antsev nói và hy vọng rằng trong một vài năm tới, dự án này sẽ nhìn thấy không chỉ trên bản vẽ mà trong hình dạng thật sự.
Theo ông này, Ekranoplan được thiết kế để bay ở độ cao đến 6m và có thể chuyên chở đến 20 người. Chế độ bay tiết kiệm nhất là ở độ cao từ 0,8-1,5m khi hiệu ứng bề mặt lớn hơn cả. Khác với các loại xuồng, Ekranoplan có thể bay trên băng, tuyết và bãi băng trên mặt nước (sông, hồ, biển).
Ông Ivan Antsev cho biết thêm, khác với máy bay, Ekranoplan không cần mạng lưới sân bay, nó kinh tế/tiết kiệm hơn và ít có đòi hỏi đối với điều kiện thời tiết.
Phó chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị, Đại tá Hải quân dự bị Konstantin Sivkov giải thích: "Xét từ quan điểm quân sự, không thể diệt Ekranoplan bằng cả tên lửa phòng không, bởi vì nó bay quá thấp đối với các tên lửa này, cả bằng tên lửa chống tàu, bởi vì nó không chạm vào mặt nước và chuyển động quá nhanh. Ngoài ra, nhờ hiệu ứng bề mặt mà sức chở của Ekranoplan lớn hơn nhiều so với máy bay với cùng một tiêu hao nhiên liệu".
Theo nhiệm vụ kỹ thuật của Bộ Công nghiệp và Thương mại, sau khi được sản xuất và thử nghiệm thành công, Ekranoplan sẽ thay thế các máy bay chở khách cũ An-28 và An-24. Được biết, Ekranoplan mới dựa trên sản phẩm nghiên cứu trước đây của Orion là Ekranoplan EK-12P Ivolga.
Ekranoplan được làm dưới dạng hai thân gắn với nhau có chung boong và khác với Ekranoplan "con quỷ biển Caspi" thời Liên Xô được làm dưới dạng thuyền bay. Ngoài ra, một số các phần tử của nó được làm bằng vật liệu composite. Ekranoplan tách lên khỏi mặt nước hay băng sau khi chạy đà và có tốc độ hành trình 250 km/h.(Baodatviet)
-------------------------
Quan hệ Mỹ - Trung: bằng mặt, chưa bằng lòng
Mỹ và Trung Quốc chưa thể bằng lòng với nhau vì bên này chưa đáp ứng đầy đủ mức độ yêu cầu đòi hỏi của bên kia liên quan đến Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 30.9 AFP
Với chuyến đi Trung Quốc lần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thương thảo với phía Trung Quốc về biện pháp chính sách chung nhằm đối phó CHDCND Triều Tiên. Nhìn vào những gì được cả hai phía biểu hiện ra bên ngoài thì cảm nhận chung là có được sự đồng thuận quan điểm rất cao về đối phó Triều Tiên.
Thật ra, họ mà không như thế thì phía được lợi nhiều nhất lại là Triều Tiên. Trước những cuộc trao đổi của ông Tillerson ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã quyết định chấm dứt hoạt động của những doanh nghiệp Triều Tiên và liên doanh giữa Trung Quốc với Triều Tiên ở Trung Quốc. Mỹ không thể không hài lòng về động thái này của Trung Quốc. Tác động thực tế từ quyết sách mới của Trung Quốc đến đâu không quan trọng đối với Mỹ bằng tác động chính trị và tâm lý của việc Trung Quốc chịu nhượng bộ trước sự thôi thúc của Mỹ. Còn ông Tillerson tuyên cáo là Mỹ thăm dò khả năng tiến hành đối thoại trực tiếp với Triều Tiên. Trung Quốc thừa biết Triều Tiên sẽ không bập vào đề nghị này của Mỹ ở thời điểm hiện tại, nhưng Mỹ làm thế tức là cũng thuận theo sự hối thúc của Trung Quốc là Mỹ và Triều Tiên tìm cách đối thoại trực tiếp với nhau.
Hai bên chưa thể bằng lòng với nhau vì bên này chưa đáp ứng đầy đủ mức độ yêu cầu đòi hỏi của bên kia liên quan đến Triều Tiên. Dù vậy, ít ra thì bầu không khí chính trị cũng đã được làm cho thuận lợi để phục vụ cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Trump. Sau đó, mọi chuyện có thể sẽ nhanh chóng khác trước. (Thanhnien)
----------------------------
Bán S-400 cho Thổ: Nga phớt lờ mọi cảnh báo
Tuyên bố chuyển giao công nghệ đã được Nga đưa ra và tiền cọc đã được Thổ chuyển giao bất chấp những lời cảnh báo.
Cố vấn của Tổng thống Putin về lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự quốc tế, ông Vladimir Kozhin vừa đưa ra tuyên bố cho biết: "Thương vụ S-400 đã bắt đầu có hiệu lực, khoản tiền cọc đã được Thổ Nhĩ Kỳ chuyển cho Nga. Nhưng chưa thể nói gì về khung thời gian thực hiện thỏa thuận".
Tuy nhiên, điều khiến không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà cả NATO quan tâm đó là việc Nga có chuyển giao công nghệ sản xuất hệ thống S-400 cho Ankara hay không thì chưa có gì rõ ràng.
Cố vấn Kozhin khẳng định, đối với vấn đề chuyển giao công nghệ, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đàm phán cụ thể mà chỉ thống nhất về việc chuyển giao nguyên đai nguyên kiện các tổ hợp tên lửa S-400 thành phẩm từ Nga.
Theo ông này, "chưa nên nói về vấn đề đó, chúng tôi mới chỉ thống nhất và tuyên bố về việc cung cấp các tổ hợp tên lửa S-400 thành phẩm, còn chuyển giao công nghệ thì chưa".
Thông tin vị cố vấn Nga đưa ra hoàn toàn trái ngược với những gì được cả Moscow và Ankara đưa ra trước đó về việc chuyển giao công nghệ nằm trong điều khoản bắt buộc có trong hợp đồng và tuyên bố này khiến dư luận quốc tế theo sát thương vụ S-400 rất bất ngờ.
Tuy nhiên, theo phân tích của Trung tướng về hưu Erdogan Karakush của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, Nga bắt đầu cảm thấy ngại trước việc chuyển giao công nghệ sản xuất S-400 cho thành viên của NATO.
Vị tướng này cho rằng, NATO "nên chấm dứt lo ngại và phải lấy làm mừng" bởi nếu hợp đồng S-400 được ký kết và công nghệ sản xuất được chuyển giao, điều này có nghĩa là một thành viên NATO sẽ sở hữu một loại vũ khí hiện đại nhất.
Một số nước NATO đang khẳng định thông tin mật sẽ bị rò rỉ đến tay Moscow nhưng các quốc gia như Bulgaria, Hy Lạp, Hungary, cũng đang sử dụng những hệ thống tương tự là S-300 nhưng vấn đề này hoàn toàn không xuất hiện.
Việc các tổ hợp tên lửa đất đối không của Nga phục vụ những nước NATO này có nghĩa là không hề có vấn đề không phù hợp như được nhắc đến. Do đó, thay vì quan ngại NATO nên vui mừng với việc Thổ Nhĩ Kỳ phát triển hệ thống phòng thủ không gian, gián tiếp góp phần vào nhiệm vụ duy trì an ninh của liên minh.
Thổ Nhĩ Kỳ là một nước có chủ quyền và có quyền mua vũ khí của bất cứ ai. Bên cạnh đó, các đại diện Thổ Nhĩ Kỳ đã giải thích lý do về tính cấp thiết phải mua những hệ thống S-400 của Nga - ông Karakush nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng có một số luồng quan điểm ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 nhưng với mục đích khác hẳn.
Ông Karakush dẫn motoj số nguồn tin cho biết, kể từ những năm 1950, Liên Xô đã tích lũy được khối lượng lớn kiến thức trong lĩnh vực tên lửa đánh chặn tầm thấp, tầm trung và tầm cao. Nga đã kế thừa được nền tảng khoa học công nghệ tên lửa của Liên Xô về các hệ thống vũ khí phòng không.
Quan điểm này cho rằng, S-400 là hệ thống phòng không vượt trội so với các sản phẩm đồng hạng của phương Tây. Trong khi Nga rất khó nắm bắt được công nghệ tên lửa của Mỹ và NATO thì cơ hội để tiếp cận công nghệ phòng không đỉnh cao của Moscow là cơ hội trời cho đối với Washington.
Để tích hợp S-400 vào hệ thống phòng không quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, các tham số kỹ thuật của hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Nga và NATO phải có sự tương thích, để S-400 tham gia vào hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ
Nga hoặc NATO sẽ phải điều chỉnh lại một số tham số bảo mật kết nối mạng chia sẻ thông tin dự cảnh-chỉ huy-điều khiển của các hệ thống Patriot hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ theo chuẩn của đối phương hoặc ngược lại. Theo chiều hướng này, NATO sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đòi Nga tiết lộ các tham số của S-400.
Điều này dẫn đến Nga không thể bảo mật các thông tin tuyệt mật về hệ thống S-400 của mình, kể cả họ có dùng biện pháp nào đi nữa thì chắc chắn Mỹ và NATO cũng sẽ nắm được một số tham số kỹ thuật của hệ thống và của các loại tên lửa Nga.
Điều này sẽ đe dọa trực tiếp đến khả năng che chắn của lá chắn phòng không và phòng thủ tên lửa của Moscow, dẫn đến việc lưới phòng không quốc gia Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng và dễ dàng bị các loại vũ khí Mỹ-NATO xuyên phá qua.
Vị tướng về hưu này khẳng định, đây chính là điều đang khiến Nga lo ngại thực sự và vì vậy, việc chuyển giao công nghệ sản xuất S-400 đang bị Moscow nhùng nhằng dù chúng đã được ghi rõ trong điều khoản của hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ.(Baodatviet)