Nghị sĩ Mỹ hợp sức ngăn Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga; Ông Donald Trump tố báo Mỹ làm hỏng kế hoạch diệt thủ lĩnh IS; Ông Putin để ngỏ khả năng tranh cử tổng thống Nga năm 2018; Tổng thống Trump gửi 'thông điệp 100.000 tấn' tới toàn thế giới
Tin thế giới đáng chú ý chiều 23-07-2017
- Cập nhật : 23/07/2017
Tướng Mỹ lo cuộc tập trận của Nga là 'con ngựa thành Troy'
Một Tướng quân đội Mỹ ngày 20/7 cho biết các đồng minh của Washington tại Đông Âu đang quan ngại về khả năng cuộc tập trận của Nga trong tháng 9 tới có thể là một “con ngựa thành Troy”.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Tướng 3 sao Ben Hodges, chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại châu Âu, tỏ ra lo ngại về khả năng sau cuộc tập trận Zapad 2017 giữa Nga và Belarus tổ chức vào tháng 9 tới, nhiều vũ khí, thiết bị quân sự của Moskva sẽ được cố ý để lại cho Minsk.
Nga đã trấn an Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng các cuộc tập trận của Moskva tôn trọng quy ước quốc tế về quy mô. Tuy nhiên, các quan chức thuộc khối quân sự này và Mỹ chưa bao giờ cảm thấy yên tâm.
“Mọi người lo lắng rằng đây có thể là một con ngựa thành Troy. Họ nói ‘chúng tôi chỉ tập trận’ rồi có thể đột nhiên họ chuyển nhân sự và vũ khí tới nơi nào đó”, ông Ben Hodges bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Ben Hodges cũng thừa nhận rằng không hề có bất cứ dấu hiệu hay bằng chứng nào về việc Nga đang ấp ủ kế hoạch như vậy.
Ngoài ra, Tướng Hodges cho rằng chưa rõ liệu Nga có thực hiện theo Công ước Vienna có từ thời Chiến tranh Lạnh hay không. Theo công ước, cần mời quan sát viên trong các cuộc tập trận có từ 13.000 binh sĩ tham gia.
Theo Reuters, lo ngại nảy sinh từ thực tế rằng trong các cuộc tập trận quy mô lớn trước đây, Nga đã điều động các lực lượng đặc nhiệm, tên lửa tầm xa và thiết bị bay không người lái.
Một vài thành viên NATO cho rằng có khả năng 100.000 quân nhân sẽ tham gia cuộc tập trận vào tháng 9 tới của Nga. Trong khi đó, Tướng Hodges thông báo Mỹ dự định điều binh sĩ nhảy dù đồn trú tại Estonia, Latvia và Litva trong thời điểm Nga tập trận.
Về phía Nga, nước này khẳng định sẽ mời quan sát viên đến dự các cuộc tập trận có hơn 13.000 binh sĩ tham gia.(Baotintuc)
------------------------
Đạn siêu tốc giúp tăng cường uy lực tàu chiến Mỹ
Khả năng tấn công chính xác với tốc độ lên tới 3.675 km/h của đạn HVP giúp hải quân Mỹ nắm nhiều lợi thế trên chiến trường.
Hải quân Mỹ thử nghiệm HVP
Hải quân Mỹ dự tính trang bị đạn siêu tốc (HVP) cho hải pháo cỡ nòng 127 mm để tiêu diệt hàng loạt khí tài quân sự đối phương. Với tốc độ 3.675 km/h, gấp ba lần âm thanh, loại đạn này hứa hẹn sẽ mang đến uy lực vượt trội cho hải pháo tiêu chuẩn trên tàu chiến Mỹ, theo Scout.
Hải quân Mỹ và tập đoàn BAE Systems bắt đầu nghiên cứu đạn siêu tốc cho pháo điện từ vào đầu thập niên 2010. Nam châm điện sẽ tạo ra từ trường khổng lồ, tăng tốc cho viên đạn lên tới 9.100 km/h. Động năng sinh ra lớn đến mức HVP không cần trang bị đầu đạn nổ để diệt mục tiêu.
Hải quân Mỹ dự kiến trang bị HVP cho pháo điện từ, trước khi triển khai cho các hệ thống vũ khí khác, nhưng đến nay Mỹ vẫn chưa có pháo điện từ nào được biên chế. Trong khi đó, có hàng trăm hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm đã được lắp trên các tàu khu trục và tuần dương hạm.
Mỗi pháo Mark 45 có tầm bắn 22 km, chủ yếu dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Khi cần, nó cũng có thể tấn công tàu chiến, xuồng cao tốc và máy bay ở khoảng cách gần.
Nếu được trang bị đạn HVP, Mark 45 sẽ có tầm bắn lên tới 65 km, gấp ba lần đạn bình thường. Loại đạn này được lắp hệ thống dẫn đường, tăng độ chính xác lên đáng kể. Với tốc độ bắn tối đa 20 phát/phút, một chiến hạm trang bị HVP có thể diệt tới 20 mục tiêu trong một phút.
Hải pháo Mark 45 bắn thử trên biển.
Việc bổ sung hệ thống dẫn đường và cánh lái cho HVP giúp pháo Mark 45 đảm nhận thêm những nhiệm vụ mới như bắn hạ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay từ khoảng cách tương đương tên lửa phòng không tầm trung. Nhiều khả năng đạn HVP cho pháo Mark 45 sẽ có nhiều biến thể để tấn công mục tiêu mặt đất, tàu chiến hay bắn hạ máy bay và tên lửa.
Chuyên gia Kris Osborn nhận định việc trang bị đạn HVP cho pháo hải quân sẽ mang lại hàng loạt lợi thế bất ngờ trên chiến trường. Nó làm tăng khả năng tấn công chớp nhoáng các mục tiêu tầm xa, cũng như giúp chỉ huy chiến trường ra quyết định chiến đấu theo thời gian thực tốt hơn.
Nỗ lực trang bị đạn HVP phù hợp với chiến lược của Lầu Năm Góc, trong đó yêu cầu khai thác công nghệ mới và tích hợp chúng lên vũ khí sẵn có. Điều này giúp khí tài hiện đại được triển khai trong thực tế nhanh hơn, thay vì phải chờ đợi nhiều năm để hoàn thiện.
Một số tập đoàn quốc phòng như Raytheon và BAE Systems đang phát triển và thử nghiệm mẫu HVP cho pháo hạm Mark 45, trước khi bắn thử nghiệm vào năm 2018.(Vnexpress)
---------------------------
Ấn Độ xây dựng 73 tuyến đường giáp biên giới Trung Quốc
Ấn Độ đang đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường chiến lược gần biên giới với Trung Quốc.
"Chính phủ đã xây dựng 73 tuyến đường chiến lược dọc biên giới với Trung Quốc, trong đó 46 tuyến được xây dựng bởi Bộ Quốc phòng, 27 tuyến còn lại do Bộ Nội vụ đảm nhiệm. Đến nay 30 tuyến đường đã hoàn thành", Economic Times ngày 18/7 dẫn tuyên bố của Quốc vụ khanh phụ trách Nội vụ Kiren Rijiju trước Hạ viện Ấn Độ.
Theo ông Rijiju, ban đầu Ấn Độ dự kiến hoàn thành việc xây dựng những tuyến đường này trong giai đoạn 2012 - 2013. Tuy nhiên, những khó khăn về thời tiết và địa hình cũng như thiên tai đã làm chậm tốc độ của dự án.
Quốc vụ khanh Ấn Độ cho biết chính phủ nước này đã triển khai hàng loạt biện pháp để đẩy nhanh tốc độ xây dựng, bao gồm việc thành lập một ủy ban cấp cao do quan chức Bộ Nội giám sát nhằm xem xét và thường xuyên theo dõi tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng dọc biên giới.
Trung Quốc và Ấn Độ đang đối đầu tại vùng cao nguyên Doklam thuộc Bhutan. Căng thẳng bùng lên từ giữa tháng 6, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.(Vnexpress)
--------------------------
Iraq chi một tỷ USD mua xe tăng hiện đại của Nga
Trợ lý Tổng thống Nga cho biết Iraq đặt mua số lượng lớn xe tăng chủ lực T-90 với trị giá tới hơn một tỷ USD.
Ông Vladimir Kozhin, trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự, hôm 20/7 xác nhận Iraq đã đặt mua "lượng lớn" xe tăng chiến đấu chủ lực T-90. Ông Kozhin không tiết lộ số lượng chính xác, nhưng trị giá đơn hàng ước tính lên tới hơn một tỷ USD, RT đưa tin.
Hợp đồng này cũng được Bộ Quốc phòng Iraq xác nhận. Báo cáo năm 2016 từ tập đoàn Uralvagonzavod cho biết Iraq sẽ nhận 73 phiên bản xuất khẩu T-90S và biến thể chỉ huy T-90SK trong năm nay. Tờ Izvestiya nhận định đây chỉ là lô đầu tiên trong hợp đồng mua hàng trăm xe tăng Nga của Iraq.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng quân đội Iraq đang cần thay thế hàng loạt xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất, sau khi chúng phải hứng chịu tổn thất trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khả năng chiến đấu của xe tăng T-90 đã được chứng minh ở chiến trường Syria, khiến dòng thiết giáp này trở thành lựa chọn hợp lý nhất cho Iraq.
Chiếc T-90 sống sót sau khi trúng tên lửa chống tăng tại Syria. Video: RT.
Nga từng xuất khẩu hàng trăm chiếc T-90 cho Ấn Độ, Algeria và Azerbaijan, trong khi nhiều quốc gia như Kuwait và Ai Cập cũng tỏ ý muốn sở hữu loại xe tăng này.(Vnexpress)
-------------