Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Việt Nam mất hơn 340 tỷ đồng vì bán dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc
Tin thế giới đáng chú ý sáng 19-09-2017
- Cập nhật : 19/09/2017
Ấn Độ thừa nhận yếu kém khi phát triển tăng hạng nhẹ
Ấn Độ tuyên bố phát triển loại chiến tăng hạng nhẹ để hoạt động trên độ cao 3.000m - phân khúc nước này đang đuối trước láng giềng Trung Quốc.
Kế hoạch phát triển tăng hạng nhẹ của Ấn Độ được Defense News hôm 17/9 cho biết, mẫu xe tăng hạng nhẹ này có thể hoạt động tại những địa hình đồi núi hiểm trở ở khu vực biên giới phía bắc giáp Trung Quốc, nhằm đề phòng trường hợp xảy ra xung đột với Bắc Kinh.
Mẫu xe tăng mới New Delhi dự kiến nặng 22 tấn, chỉ nhỉnh hơn một chút so với loại thiết giáp chiến đấu Stingker của Mỹ, cho phép chúng được triển khai bằng các máy bay vận tải Il-76MD, C-17 và C-130J trong trường hợp cần thiết.
Xe tăng Ấn Độ.
Việc Ấn Độ tuyên bố phát triển dòng tăng hạng nhẹ không có gì là bất ngờ mặc dù hiện nước này đang sở hữu lực lượng tăng thiết giáp khá lớn với hơn 1.600 chiếc tăng T-90, 2.400 chiếc T-72 và 118 chiếc Arjuns.
Nhưng hạn chế ở những cỗ tăng này là chúng thường gặp nhiều khó khăn khi tác chiến ở miền núi bởi phạm vi hỏa lực bị hạn chế đáng kể. Ngoài ra, trọng lượng nặng cũng khiến chúng không thể di chuyển nhanh tại các địa hình dốc và gồ ghề.
Hạn chế này đã buộc Ấn Độ phải thừa nhận bị lạc hậu so so với đối thủ Trung Quốc. Tờ The Times of India cho biết, Ấn Độ đang ở trong tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng và không có loại chiến tăng có thể hoạt động tốt trên địa hình đồi núi.
Nguồn tin này cho biết những người đứng đầu Lục quân Ấn Độ hy vọng mọi chuyện có thể thay đổi khi nước này làm chủ được công nghệ sản xuất đạn và thành công với chương trình tăng hạng nhẹ của mình.
Việc Ấn Độ sốt sắng với kế hoạch của mình được cho rằng xuất phát từ nguyên nhân đối thủ trực tiếp của nước này là Trung Quốc đã phát triển thành công và đưa vào trang bị dòng tăng đủ mạnh để hoạt động tốt trên địa hình phức tạp ở tuyến biên giới 2 nước.
Theo mạng quân sự Sina, xe tăng hạng nhẹ của Trung Quốc có kíp xe 4 người, sử dụng pháo chính 105 mm tự động nạp đạn nhưng cũng có thể nạp bằng tay. Nòng pháo cỡ 105 mm bắn đạn xuyên giáp bằng hợp kim vonfram có thể xuyên được 500 mm giáp đồng nhất và cũng có thể phóng tên lửa từ nòng pháo.
Theo hình ảnh xe tăng hạng nhẹ mới thì kính ngắm quang học của pháo thủ và chỉ huy được bố trí giống với xe tăng chiến đấu chủ lực mới Type-99A2 và một radar theo dõi đạn pháo cũng được gắn ngay trên tháp pháo.
Tháp pháo được thiết kế có hình dáng nhọn, được bao bọc bởi các khối giáp phản ứng nổ và thiết bị phát hiện laser. Ngoài ra, xe tăng có thể được tích hợp hệ thống treo lỏng - khí, cho phép nó có thể "đứng, ngồi, quì" để khai thác địa hình và che giấu phần thân xe trước đối phương.
Trước sự xuất hiện đầy bí ẩn của loại tăng này, Vasily Kashin, một chuyên gia về xe tăng tại Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Nga cho biết, một trong những lý do của việc phát triển xe tăng mới là nhằm đối phó với kế hoạch xây dựng quân đoàn sơn cước của Ấn Độ.
Các xe tăng mới sẽ thay thế cho loại xe tăng hạng nhẹ Type 62, một loại tăng có thiết kế đơn giản với áo giáp và vũ khí tương đối.(Baodatviet)
----------------------
Ông Saakashvili tuyên bố không tổ chức cách mạng mới ở Ukraine
Cựu Tổng thống Gruzia, đồng thời là Cựu Thống đốc Odessa Saakashvili bác bỏ ý định tổ chức một cuộc cách mạng mới, mà muốn đưa yêu sách thông qua con đường hợp pháp.
Mới đây, trong một cuộc mít tinh tại Vinnitsa, cựu Tổng thống Gruzia, đồng thời là cựu thống đốc Odessa Mikhail Saakashvili tuyên bố rằng, ông không có mong muốn tổ chức một cuộc cách mạng mới ở Ukraine.
Trang tin điện tử Gordon của Ukraine dẫn lời ông Saakashvili: "Mặc dù tôi là một nhà cựu cách mạng, nhưng tôi không có ý muốn tổ chức một cuộc cách mạng mới".
Chính trị gia nói thêm rằng ông và những người ủng hộ của mình có kế hoạch đạt được các yêu sách của mình qua "con đường hợp pháp".
"Chúng tôi sẽ đi khắp Ukraine và thu thập các ý kiến, yêu cầu" - ông Saakashvili cho biết thêm rằng những yêu sách này sẽ được chuyển lên Hội đồng Tối cao của Ukraine và Tổng thống.
Chính trị gia thông báo rằng vào ngày 17/10 tới, ông sẽ có bài diễn thuyết ở Kiev và lên tiếng về những yêu sách của mình với chính quyền. Theo ông, các vấn đề này chủ yếu liên quan đến việc thành lập các tòa án chống tham nhũng, bãi bỏ chế độ miễn nhiệm của nghị viện và thông qua một luật bầu cử mới.
Trước đó, ông Saakashvili cho biết sau khi đi thăm một số thành phố tại Ukraine, ông sẽ tới Thủ đô nước này và tổ chức một cuộc biểu tình gần tòa nhà Quốc hội vào ngày 19/9, sau khi tuyên bố Kiev cần được "khẩn trương cứu độ".
Hôm 10/9, cựu Thống đốc đã bị tước quyền công dân Ukraine, ông Saakashvili với sự hỗ trợ của những người ủng hộ đã phá vỡ hàng rào của nhân viên bảo vệ biên giới và nhân viên thực thi pháp luật tại trạm kiểm soát "Shegini" rồi đổ bộ vào Ukraine từ Ba Lan.
Theo đó cảnh sát báo cáo rằng, hành động của ông này vi phạm bốn điều mục, trong đó có tội tổ chức chuyển giao người bất hợp pháp qua biên giới và chống lại các cơ quan thực thi pháp luật.
Ông Saakashvili tuyên bố rằng mình không vi phạm pháp luật khi vượt qua biên giới và dự định bảo vệ quyền công dân Ukraine tại tòa án. Sau đó, Bộ trưởng Tư pháp của Ukraine Yuri Lutsenko cho biết, cựu thống đốc Odessa sẽ không bị trục xuất khỏi đất nước cũng như không bị bắt, "bởi ông này vẫn có giấy chứng nhận thường trú ở Ukraine".(Infonet)
-------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ tập trận dằn mặt Iraq và người Kurd
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực ngăn người Kurd ở Iraq trưng cầu dân ý khả năng độc lập khỏi Iraq, lo ngại sẽ khuyến khích người Kurd ở nước mình làm tương tự.
Ngày 18-9, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tập trận quân sự tại biên giới với Iraq để dằn mặt người Kurd ở bắc Iraq, trong bối cảnh cuộc trưng cầu dân ý cho bộ phận người này độc lập sẽ diễn ra vào tuần tới.
Cuộc tập trận diễn ra ở cửa biên giới Habur giáp Iraq, với 100 xe quân sự - phần lớn là xe tăng, cùng với một số lượng xe chở tên lửa và súng bắn pháo.
Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là nước có cộng đồng người Kurd đông nhất khu vực – lo ngại cuộc trưng cầu này nếu có kết quả đồng ý sẽ thúc giục thêm phong trào đòi ly khai của người Kurd trong nước. Ba chục năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn vất vả đối phó với tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu giành quyền tự trị.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa nói sẽ có phản ứng gì một khi cuộc trưng cầu diễn ra. Tuy nhiên nước này đã lên lịch sẽ họp nội các và hội đồng an ninh quốc gia vào ngày 22-9 tới, 3 ngày trước khi cuộc trưng cầu diễn ra.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tập trận gần biên giới với Iraq ngày 18-9. Ảnh: REUTERS
Ngày 17-9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25-9 tới về khả năng người Kurd độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia, cảnh cáo sẽ có mọi biện pháp trả lời cần thiết.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ nói chuyện này với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khi hai ông tham dự kỳ họp Đại Hội đồng LHQ tại Mỹ tuần này.
Không riêng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng cảnh cáo hậu quả không lường trước nếu người Kurd ở Iraq nhất quyết trưng cầu. Mỹ và nhiều nước phương Tây khác cũng đề nghị người Kurd ở Iraq hủy trưng cầu, lo ngại sự kiện này sẽ tạo căng thẳng và làm xao lãng cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria. Mỹ đã và đang hỗ trợ lực lượng tay súng người Kurd ở Iraq và Syria đánh IS. Điều này là một lý do khiến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nhiều thời gian gần đây.
Tin từ Reuters, ngày 18-9, Thủ tướng al-Abadi cho biết đã chính thức yêu cầu người Kurd hoãn trưng cầu. Quyết định của Thủ tướng al-Abadi được Tòa án Tối cao Iraq ủng hộ: “Tổ chức trưng cầu dân ý sẽ dẫn tới kết quả nguy hiểm, gây chia rẽ Iraq và đe dọa hòa bình”.
Tòa án Tối cao - có bổn phận giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa chính quyền trung ương và các tỉnh – đã yêu cầu chính quyền khu tự trị người Kurd ngừng cuộc trưng cầu. Quyết định của tòa án có hiệu lực pháp lý, tuy nhiên không thể được thực hiện ở khu vực người Kurd vì nơi này có hệ thống cảnh sát riêng và chính quyền riêng do ông Massoud Barzani lãnh đạo.(PLO)