Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Chiến tranh pháp lý với cái gọi là Tứ Sa - một thủ đoạn thôn tín Biển Đông của Trung Quốc
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 04-10-2017:
- Cập nhật : 04/10/2017
TQ toan tính gì khi chấp nhận mạnh tay với Triều Tiên?
Các chuyên gia đánh giá mặc dù Trung Quốc đang cho thấy sự mạnh tay trong vấn đề gây áp lực Triều Tiên nhưng nước này vẫn trở lại như cũ trong nay mai.
Washington thời gian gần đây đã khen ngợi Bắc Kinh vì có những bước tiến trong việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các biện pháp hiện tại của Trung Quốc chỉ là một động thái tạm thời để đạt được lợi ích cho riêng nước này, CNBC dẫn lời giới chuyên gia nhận định.
Thật vậy, kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, Trung Quốc đã nhiều lần đồng ý thông qua các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm gây áp lực láng giềng. Tuy nhiên, những nghi ngờ về việc Trung Quốc có làm theo những gì nước này khăng khăng hay không vẫn còn dai dẳng. Sự hồ nghi càng dâng cao khi các số liệu cho thấy giao thương hai nước vẫn tăng đều.
Điển hình, trong sáu tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng lên 2,55 tỉ USD, tương đương tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc thì nói rằng sự tăng trưởng này là nhờ vào các lĩnh vực không được bao hàm trong lệnh trừng phạt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Florida (Mỹ) ngày 6-4-2017. Ảnh: GETTY
Tuy nhiên, các động thái mạnh tay gần đây của Bắc Kinh đã gây sự chú ý đáng kể. Tháng trước, Trung Quốc công bố sẽ cấm nhập khẩu hàng may mặc và hải sản từ Triều Tiên, bên cạnh việc giới hạn xuất các sản phẩm dầu mỏ sang Bình Nhưỡng. Các động thái này được đánh giá sẽ gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế Triều Tiên.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ duy trì các chính sách cứng rắn này trong bao lâu.
“Trung Quốc thường chỉ thực thi các lệnh trừng phạt trong các khoảng thời gian tạm thời khi sự chú ý của thế giới đổ dồn về Triều Tiên. Tuy nhiên, khi căng thẳng qua đi, nước này sẽ lại bắt đầu giao dịch bình thường với Bình Nhưỡng” - Benjamin Katzeff Silberstein, học giả tại Viện nghiên cứu chính sách ngoại giao (FPRI) ở TP Philadelphia (Mỹ), nhận định.
Về lâu dài, Trung Quốc cơ bản vẫn muốn duy trì sự sống còn của Triều Tiên bởi lẽ Bình Nhưỡng bị thương tích thì ít nhất Bắc Kinh cũng bị trầy xước. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ, dòng người tị nạn sẽ đổ về phía Bắc. Mặt khác, Trung Quốc cũng lo ngại viễn cảnh bán đảo Triều Tiên được thống nhất. Vì khi đó, Mỹ sẽ có được ảnh hưởng ngay trước cửa nhà của Trung Quốc.
Thanh niên Triều Tiên tham gia mít-tinh chống Mỹ ở quảng trường Kim Nhật Thành hôm 23-9. Ảnh: KCNA
Do đó, có hai nguyên nhân lý giải tại sao Trung Quốc mạnh tay như vậy. Thứ nhất, trong toan tính của Bắc Kinh, đây chỉ là một hành động để làm nguôi cơn giận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo Jefrey Kingston, người đứng đầu Ban châu Á học tại ĐH Temple ở Nhật. “Ông Tập Cận Bình muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Và sự nhượng bộ của ông là để mở đường cho chuyến thăm Trung Quốc thành công của ông Trump vào tháng tới” - vị này đánh giá.
Nhà Trắng từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc không hợp tác trong việc gây áp lực Triều Tiên. Tuy nhiên, thái độ này đã thay đổi gần đây. Sau khi Trung Quốc yêu cầu các công dân nước này ngừng làm ăn với các đối tác Triều Tiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lập tức gọi gây là một “bước đi to lớn”. Còn ông Trump thì nói rằng: “Tôi hoan nghênh Trung Quốc vì đã cắt tất cả quan hệ trong lĩnh vực ngân hàng với Triều Tiên, điều mà mọi người sẽ nghĩ là không thể tưởng tượng nổi cách đây hai tháng”.
Theo đánh giá của chuyên gia Kingston, nếu các động thái mạnh tay của Trung Quốc hiện tại không gây bất kỳ ảnh hưởng tích cực dài hạn nào lên quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng, Bắc Kinh có thể sẽ trở lại lối mòn cũ, quay lại làm ăn bình thường với Bình Nhưỡng.
Thứ hai, sự kiện Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp tới cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới quyết định mạnh tay với Triều Tiên của Trung Quốc hiện nay. Bởi lẽ bất cứ diễn biến nào gây ảnh hưởng tới sự kiện này điều không được mong muốn, trong đó có các động thái của Triều Tiên. Và việc Trung Quốc “kìm chân” Triều Tiên trong giai đoạn này cũng có thể vì lý do đó.(PLO)
----------------------
Lao động Triều Tiên tại Trung Quốc rục rịch về nước
Sau các lệnh trừng phạt gần đây của Liên Hiệp Quốc được Trung Quốc thực thi, ngày càng nhiều lao động Triều Tiên khăn gói về quê.
Công nhân Triều Tiên trong một xưởng sản xuất ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 3-10 dẫn các nguồn thạo tin từ Trung Quốc cho biết nguyên nhân chính là do thị thực lao động của các lao động Triều Tiên không được gia hạn.
Tuyên bố không gia hạn và siết chặt việc cấp thị thực được chính quyền Bắc Kinh đưa ra từ ngày 12-9. Khoảng 2.600 lao động Triều Tiên ở 3 tỉnh của Trung Quốc là Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đã rời khỏi Trung Quốc.
Theo Yonhap, nhà chức trách Trung Quốc kiểm tra rất gắt gao việc gia hạn thị thực cho các công nhân Triều Tiên làm trong lĩnh vực hải sản, may mặc và lắp ráp điện tử. Các trường hợp được gia hạn là con số 0.
Hôm 28-9, Bộ thương mại Trung Quốc ra thông báo đóng cửa các nhà máy, công ty của Triều Tiên tại nước này trong vòng 120 ngày. Trước đó, bộ này cũng cấm xuất khẩu xăng dầu và nhập khẩu hàng dệt may của Bình Nhưỡng.
Các động thái trên diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an LHQ áp hai biện pháp trừng phạt cứng rắn nhắm vào Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này.
"Đầu năm nay còn khoảng 20.000 công nhân Triều Tiên làm việc ở thành phố Đan Đông. Con số này đã suy giảm đáng kể sau khi Trung Quốc tuân thủ các lệnh trừng phạt Triều Tiên", một nguồn tin nói với Yonhap.
Cũng theo người này, những ngày này có thể thấy rất nhiều người Triều Tiên đổ về thành phố Đan Đông giáp biên giới Triều Tiên hoặc các cơ quan di trú để về quê.
Một số hình ảnh được chia sẻ gần đây trên WeChat - mạng xã hội khá phổ biến ở Trung Quốc, cũng cho thấy cảnh hàng trăm phụ nữ được cho là lao động Triều Tiên đang đợi về nước.
Ước tính, có khoảng 100.000 lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, nhiều nhất tại Trung Quốc, đem về nguồn ngoại tệ mỗi năm hơn 500 triệu USD. (Tuoitre)
-----------------------
Ông Shinzo Abe ‘hồi sinh' nhờ… tên lửa Triều Tiên?
Nhật Bản sẽ tổng tuyển cử vào ngày 22-10 tới. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khả năng lớn sẽ chiến thắng nhiệm kỳ tiếp theo, theo Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Cuộc bầu cử sẽ phản ánh đầy đủ suy nghĩ của người dân Nhật. Với cuộc bầu cử này, bên cạnh các mối lo về trì trệ trong kinh tế, một vấn đề chung sẽ nối kết các cử tri đó là tên lửa Triều Tiên.
Tỉ lệ ủng hộ ông Abe gần đây luôn ở mức trên 50%. Nhưng mới hồi giữa tháng 7, ông Abe đã một phen lao đao với các cáo buộc lạm dụng quyền lực, can thiệp vào chính sách Bộ Giáo dục để làm lợi cho người thân quen. Thời điểm đó thăm dò của Mainichi Shimbun cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Abe chỉ 26%. Nhiều ý kiến nhận định tương lai chính trị của ông Abe đã tắt. Nhưng rồi các vụ thử tên lửa “trên đầu người Nhật” và vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên đã xoay chuyển chính trường Tokyo.
Những màn hăm dọa liên tiếp giữa giới lãnh đạo Washington và Bình Nhưỡng khiến người Nhật lo càng thêm lo. Cũng không có dấu hiệu nào chắc chắn Triều Tiên sẽ không còn phóng tên lửa ngang qua vùng trời Nhật Bản. Một cách hy hữu, tên lửa Triều Tiên khiến người dân Nhật lo sợ nhưng lại giúp hồi sinh sự nghiệp chính trị của ông Abe. Tần suất đề cập đến các vụ phóng tên lửa này của truyền thông Nhật đã thuyết phục được người dân: Ông Abe là chính trị gia duy nhất đủ cứng rắn, đủ kinh nghiệm và sẵn sàng ra tay ứng phó mối đe dọa từ bán đảo Triều Tiên.
Tờ SCMP dẫn lời Phó Giáo sư quan hệ Stephen Nagy, chuyên về quốc tế tại ĐH Quốc tế Thiên chúa giáo (Nhật Bản), đánh giá ông Abe đã chơi rất giỏi lá bài Triều Tiên: “Ông ấy đã cho người dân Nhật thấy sức mạnh lãnh đạo trong đối phó với Triều Tiên và lần nữa nhấn mạnh quan hệ an ninh với Mỹ”. Trong các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, quân đội Nhật đã không ra tay đánh chặn dù nó bay qua lãnh thổ mình. Về phần mình, ông Abe đã kiềm chế không có những lời lẽ quá khích với Triều Tiên vốn sẽ kích động thêm căng thẳng. Theo ông Nagy, điều này thể hiện khả năng lãnh đạo điềm tĩnh, “vững vàng và biết kiềm chế. Nó không chỉ ảnh hưởng tốt đến các cử tri Nhật mà với cả các đối tác trong khu vực”. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng đã tuyên bố ủng hộ cách ứng xử của ông Abe.(PLO)