Nga giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc hạ tầng mạng vào Trung Quốc; Hàn Quốc gọi điện 18 tháng, Triều Tiên không nhấc máy; Mỹ cự tuyệt đàm phán hạt nhân với Triều Tiên
Tin thế giới đáng chú ý 04-10-2017
- Cập nhật : 04/10/2017
Nga giúp Syria tái thiết: Một vốn bốn lời
Dường như Nga nhận thấy nhiều mối lợi khi giúp chính phủ Syria tiêu diệt IS.
Hãng thông tấn SANA của Syria đưa tin, trong cuộc gặp với phái đoàn gồm người đứng đầu và đại diện các công ty lớn của Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thảo luận về quan hệ chiến lược hai nước và tầm quan trọng của việc củng cố hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất dầu khí, phosphate, vận tải và sản xuất thuốc men.
Các bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra các công cụ để đẩy nhanh việc tái thiết cơ sở hạ tầng của đất nước.
"Ông Assad nhấn mạnh rằng sự tham gia của các quốc gia đã đứng về phía Syria trong cuộc chiến chống khủng bố trong quá trình khôi đất nước là điều tự nhiên", hãng tin SANA viết.
Đây không phải là một động thái bất ngờ bởi trước đó, Nga đã có kế hoạch lâu dài để tái xây dựng Syria sau khi tổ chức khủng bố bị tiêu diệt. Kế hoạch này đã bắt đầu từ tháng 9 vừa qua, Nga đã chuyển tới Syria 4.000 tấn nguyên vật liệu xây dựng và nhiều máy móc giúp quốc gia Trung Đông tái thiết đất nước.
“Sự can thiệp của Nga vào Syria đã thực sự thay đổi cuộc chơi tại Trung Đông. Mỹ và liên quân đã mất thế độc tôn trên không phận Syria”, chuyên gia David Blair của tờ Telegraph nhận định.
Vốn là đồng minh thân thiết, lại sát cánh trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ( IS) tự xưng từ năm 2015 cho đến nay, Nga được nhìn nhận sẽ chiếm nhiều ưu thế trong cuộc chạy đua tái thiết ở đất nước bị tàn phá nặng nề như ở Syria.
Hiện nay, các thể chế tài chính của Syria không thể cấp vốn cho nỗ lực tái thiết đất nước khi mà tổng tài sản của 12 ngân hàng của nước này chỉ vỏn vẹn 3,5 tỷ USD. Ông Jihad Yazigi, tác giả của Báo cáo Syria hàng tuần, cho biết chi phí tái thiết Syria ước tính vào khoảng 200 tỷ USD (hiện có những ước tính trên 300 tỷ USD).
Có nhiều câu hỏi về khả năng tài chính của Nga nếu đảm nhận vai trò hỗ trợ chính cho Syria thời hậu chiến. Trong bối cảnh vẫn đang phải nỗ lực khôi phục nền kinh tế, Nga có đủ tiềm lực để mang thân đi giúp xứ người?
Dối với người Nga, dường như đó không phải là một quyết sách cần lưỡng lự cân nhắc. Dù gặp khó khăn kinh tế trong thời điểm bị phương Tây siết chặt vòng vây cấm vận, Nga vẫn thể hiện sự hào phóng khi xóa tới trên 73% nợ (tương đương 9,8 tỷ USD) cho Syria.
Tiếp tục lãnh ngọn cờ tái thiết Syria, Nga sẽ có lợi thế khi khai thác trữ lượng dầu mỏ và nguồn tài nguyên của Syria, điều khiến quốc gia này nhiều năm không yên tiếng súng.
Một điểm quan trọng khác, bản thân các doanh nghiệp Nga cũng đang cần tìm điểm đến cho công nghệ và hàng hóa của mình. Nói cách khác, tiền không ra khỏi nước Nga.
Đã có những món lợi đáp lại. Còn nhớ hồi tháng 4/2016, Damascus và Moskva đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trị giá khoảng 950 triệu USD nhằm tái thiết quốc gia Trung Đông đang bị chiến tranh tàn phá.
Theo Thủ tướng al-Halqi, Syria đã đề xuất để Nga tham gia vào việc thăm dò, khai thác các mỏ khí đốt cũng như dầu lửa trên đất liền và ngoài khơi nước này.
Đặc biệt, Nga cũng được mời để nâng cấp nhà máy lọc dầu Baniyas, và phối hợp với Iran cùng Venezuela xây dựng một nhà máy lọc dầu mới. Syria cũng sẵn sàng thảo luận với Nga việc chi trả bằng các đồng nội tệ. Hiện Syria đang đàm phán một khu vực thương mại tự do với Nga, Belarus và Kazakhstan.
Nga được gì sau khi giúp Syria diệt IS
Nhờ cuộc chiến ở Syria, Nga còn nâng tầm ảnh hưởng của mình trên Mỹ và đồng minh. Về mặt chính trị, Nga đã trở thành một quốc gia không thể thiếu cho sự hòa bình, ổn định tại Trung Đông, châu Phi, loại bỏ sự độc tôn của Mỹ và Phương Tây hoành hoành từ lâu tại khu vực này.
Rõ ràng, tại các điểm nóng Trung Đông, Nga được coi như là một “cảnh sát Trung Đông” mà người dân rất hy vọng sự giúp đỡ của Nga. Chẳng hạn như các lực lượng tại Lybia và mới đây Yemen cũng yêu cầu Nga đưa quân đội đến giúp ổn đình tình hình, chống khủng bố.
Không ai núp sau lưng Nga để đấu tranh chống Mỹ, nhưng nhờ Nga họ đã có thể “nói không” với Mỹ, mặc cả với Mỹ để đem lại lợi ích tối đa cho quốc gia. Và dĩ nhiên, đó chính là cách “sức mạnh mềm” của Nga được làm cho vững mạnh.
Ngoài ra Nga đã kiểm tra, thử thách 162 mẫu vũ khí hiện đại và nâng cấp, cho thấy hiệu quả cao. Trong số đó có các máy bay mới nhất là Su-30SM, Su-34, Mi-28N và Ka-52, rút ra đặc điểm kỹ chiến thuật, khẳng định uy lực của vũ khí dẫn đường chính xác như tên lửa phóng từ tàu ngầm, tàu chiến, nhiều loại vốn mới lần đầu qua thực chiến.
Có thể nói, cuộc chiến Syria là sự quảng cáo lý tưởng cho vũ khí Nga khi Nga là một trong những ông trùm bán vũ khí lớn nhất thế giới. Đó là lý do vì sao có những vụ phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm, từ máy bay, từ tàu mặt nước vào IS đã được thực hiện dùxét về tác chiến là không cần thiết.(Baodatviet)
------------------------
Úc đề xuất giúp Mỹ cải cách luật dùng súng
Sau 20 năm, Úc đã giữ gìn an ninh súng đạn rất tốt và nước này hoàn toàn có thể là trường hợp để người làm luật ở Mỹ tham khảo.
Người Mỹ cầu nguyện cho nạn nhân ở vụ xả súng Las Vegas - Ảnh: AFP
"Kinh nghiệm là cái chúng tôi có thể cung cấp. Nhưng sau cùng thì điều này phụ thuộc vào các nghị sĩ và nhà lập pháp ở Mỹ, cũng như công chúng Mỹ trong việc thay đổi luật pháp để đảm bảo những loại tai nạn như thế không xảy ra lần nữa", Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói hôm 3-10.
Phát biểu của bà Bishop được đưa ra sau khi Mỹ vừa hứng chịu một vụ xả súng kinh hoàng tại Las Vegas khiến 59 người chết và hơn 500 người bị thương.
Nghi phạm số 1 Stephen Paddock được biết đã trữ một lượng súng ống lớn để bắn vào người dân trước khi tự sát.
Chi tiết này khiến những ý kiến tranh cãi về luật dùng súng bùng lên. Ở Mỹ, Hiệp hội Súng trường quốc gia được cho là lực lượng có quyền lực chính trị mạnh mẽ, dẫn tới việc cấm hẳn chuyện sở hữu súng là điều rất khó.
Năm 1996, nước Úc cũng rúng động sau vụ tay súng Martin Bryant nổi cơn cầm súng bán tự động tấn công khu di tích lịch sử ở Port Arthur. Có 35 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ thảm sát ấy, khiến nước Úc - vốn lâu nay là nơi có tỉ lệ sở hữu súng cao - phải đặt ra những điều chỉnh mang tính bước ngoặt.
Phe trung hữu Tự do của thủ tướng John Howard khi ấy siết chặt luật dùng súng, bao gồm việc cấm bán một số loại vũ khí, hạn chế độ tuổi sở hữu súng cũng như vấn đề giấy phép.
Hơn 600.000 món vũ khi đã bị tiêu hủy sau đó và bất chấp những tranh cãi, các biện pháp kiểm soát súng ống thực sự được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Một khảo sát năm 2016 cho thấy số lượng những cái chết và tự tử liên quan tới súng đã giảm đáng kể.
James Carouso, quyền đại sứ Mỹ tại Úc, vừa qua cũng thừa nhận Mỹ có thể học hỏi Úc trong vấn đề chính sách dành cho súng ống.
Ông nói với Đài ABC: "Mỗi khi một chuyện thế này xảy ra, các nhà phân tích ở Mỹ luôn chỉ vào những gì đã diễn ra ở Úc, và chỉ ra rằng tỉ lệ giết người bằng súng ở đất nước các bạn đã giảm rất mạnh, và các bạn đã không để tái diễn những màn giết người hàng loạt như vậy. Tôi nghĩ chắc chắn nhiều nhà quan sát ở Mỹ đang nhìn Úc như một ví dụ".(Tuoitre)
-------------------------
Máy bay Nga tiêu diệt 7 chỉ huy IS ở Syria
Lực lượng không gian vũ trụ Nga đã tiêu diệt 304 tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong đó có bảy chỉ huy trong hai ngày qua khi các đợt tấn công nhằm vào quân khủng bố ở bờ Đông sông Euphrates gần Deir el-Zour, Syria tiếp diễn.
Theo hãng tin Sputnik, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 3-10 cho biết lực lượng không gian vũ trụ Nga đã tiêu diệt bảy chỉ huy chiến trường của IS, trong đó có một điều phối viên khủng bố ở bờ Đông sông Euphrates, Syria trong hai ngày qua.
“Bảy chỉ huy chiến trường ở nhiều cấp khác nhau đã bị tiêu diệt, trong đó có một người quốc tịch Kazakhstan tên là Abu Islam al-Kazaki. Người này giữ vai trò điều phối hoạt động của các đơn vị tấn công IS ở thung lũng sông Euphrates” - ông Konashenkov cho biết.
Tiêm kích Su-25 cất cánh từ căn cứ Hmeymim của Nga ở Syria. Ảnh: SPUTNIK
Ông Konashenkov nói thêm tổng cộng đã có 304 tay súng bị tiêu diệt trong hai ngày ở bờ Đông Euphrates, hơn 170 phần tử bị thương.
Cùng ngày, đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng không gian vũ trụ Nga ở Syria đã phá tan một trung tâm huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài của nhóm khủng bố IS, tiêu diệt khoảng 40 tay súng đến từ Bắc Caucasus. Ngoài ra, một nhóm lính bắn tỉa di động cũng bị tiêu diệt.
Ông Konashenkov cho hay ba bốt chỉ huy, chín chốt điểm hùng mạnh, tám xe tăng, ba hệ thống pháo binh, 17 xe chở vũ khí cỡ nòng lớn và bốn kho đạn dược cũng tan tành dưới làn bom đạn của máy bay Nga.
Nga cùng với Iran và lực lượng dân quân địa phương đã và đang hỗ trợ chính phủ Syria chiến đấu chống các nhóm khủng bố đang hoành hành quốc gia Ả Rập này kể từ năm 2011.
Cuộc nội chiến Syria đã khiến khoảng 220.000 người chết và 12 triệu người ly tán. Rất nhiều người chạy trốn khỏi Syria đã tràn vào các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan trong khi một số khác xin tị nạn ở châu Âu. Điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2, theo Liên Hiệp Quốc.(PLO)