Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Tập Cận Bình dọa quan chức Trung Quốc bất trung với Tập sẽ đánh mất cuộc đời - Trung Quốc sắp lâm vào chế độ độc tài
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 04-10-2017:
- Cập nhật : 04/10/2017
Nga giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc hạ tầng mạng vào Trung Quốc
Doanh nghiệp nhà nước của Nga TransTeleCom vừa cung cấp kết nối Internet mới cho Triều Tiên, giúp nước này giảm lệ thuộc mạng hoàn toàn vào Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm nông trường - Ảnh: REUTERS
Động thái này đã củng cố thêm năng lực bảo mật mạng của Triều Tiên vào thời điểm những căng thẳng gia tăng giữa nước này với Mỹ, đồng thời giảm sự lệ thuộc hoàn toàn về hạ tầng mạng của Bình Nhưỡng vào Trung Quốc.
Trước đây lưu lượng Internet của Triều Tiên đều chỉ thông qua kết nối duy nhất do hãng viễn thông Trung Quốc China Unicom cung cấp. Nhưng nay, với kết nối mới từ Nga, Triều Tiên đã có thêm một nền tảng hạ tầng Internet mới.
Thay đổi này rõ ràng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Triều Tiên trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng sức ép lên các công ty Trung Quốc, buộc phải cắt quan hệ làm ăn với Triều Tiên chiểu theo các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Công ty TransTeleCom cho biết họ có các kết nối viễn thông với Triều Tiên theo một thỏa thuận ký từ năm 2009 nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Ông Bryce Boland - chuyên gia bảo mật mạng của hãng FireEye, cho biết: "Bằng cách tăng số kết nối Internet ở trong và ngoài nước, Triều Tiên sẽ tăng cường năng lực ứng phó của mình với các cuộc tấn công mạng".
Đài CNN (Mỹ) nhận định rằng với việc Nga có tham gia vào mạng lưới Internet của Triều Tiên, mọi việc có thể trở nên phức tạp hơn. Theo đó các cuộc tấn công nhằm vào hacker Triều Tiên hay các máy chủ của nước này giờ đây có thể sẽ phải "đi" qua hạ tầng mạng của Nga.
Theo chuyên gia Boland, trong tình thế đó, một cuộc tấn công mạng của Mỹ nhằm vào Triều Tiên lúc này "có thể bị xem là một động thái khiêu khích chống lại Nga. Và như vậy rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga".
TransTeleCom là công ty thuộc sở hữu nhà nước của Nga, có tuyến cáp quang trải dọc theo tất cả các tuyến xe lửa chính trên toàn lãnh thổ Nga, trong đó bao gồm các tuyến trải lên tới tận vùng biên giới giáp ranh với Triều Tiên. "Đó là một động thái hai bên cùng thắng với Nga", chuyên gia Boland nhận định.(Tuoitre)
------------------------
Hàn Quốc gọi điện 18 tháng, Triều Tiên không nhấc máy
Cách đây không lâu, Bộ Thống nhất Hàn Quốc còn là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng nhất của Seoul nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi.
Trong hơn 18 tháng qua, Bộ Thống nhất Hàn Quốc gửi quan chức tới ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm để gọi điện thoại cho phía Triều Tiên vào lúc 9 và 16 giờ mỗi ngày nhưng Bình Nhưỡng không hề nhấc máy.
Giữa thời điểm Triều Tiên đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa, Bộ Thống nhất Hàn Quốc – ra đời nhằm cải thiện quan hệ với nước láng giềng miền Bắc - đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự.
Cách đây không lâu, Bộ Thống nhất Hàn Quốc còn đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập các cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo 2 miền Triều Tiên cũng như đưa ra các dự án kinh tế chung vào những năm 2000. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã làm cho vai trò của bộ này bị lu mờ.
Một binh sĩ Triều Tiên ở khu vực biên giới, gần làng Bàn Môn Điếm. Ảnh: EPA
Tại Hàn Quốc, những quyết định quan trọng nhất liên quan đến Triều Tiên hiện tại do văn phòng tổng thống, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao xem xét. Bộ Thống nhất chỉ còn làm công việc đưa ra các tuyên bố về hoạt động thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên và tuyên truyền.
Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun chia sẻ: "Bạn cần cả 2 tay để vỗ và Triều Tiên không phản ứng gì cả. Nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Trong quá khứ, có những thời điểm phải mất tới 1 hoặc 2 năm để làm tan băng mối quan hệ sau những lúc thù hận".
Hồi tháng 7, Triều Tiên bác bỏ đề nghị duy trì các cuộc đàm phán quân sự liên Triều và của Hội Chữ thập đỏ do Bộ Thống nhất Hàn Quốc đề xuất.
Ra đời từ năm 1969, tiền thân là Uỷ ban Thống nhất quốc gia, vai trò của Bộ Thống nhất Hàn Quốc được khẳng định dưới thời cựu Tổng thống Roh Tae-woo. Ông Roh lúc đó tìm cách cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Hai miền Nam – Bắc Triều Tiên tổ chức cuộc hội đàm cấp cao lần đầu tiên vào năm 1990 và cả 2 nước đều gia nhập Liên Hiệp Quốc vào cùng thời điểm - năm 1991. Tiếp đến, 2 vị tổng thống của Hàn Quốc là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il lần lượt vào các năm 2000 và 2007.
Nhưng các chính phủ ở Hàn Quốc từ năm 2008 trở lại đây đã đi theo đường lối cứng rắn, xoá đi những nỗ lực hòa giải với Triều Tiên trong quá khứ. Cựu Tổng thống Lee Myung-bak từng cân nhắc đóng cửa Bộ Thống nhất, đồng thời chuyển giao vai trò của bộ này cho Bộ Ngoại giao.
Người kế nhiệm ông, bà Park Geun-hye, đã rút các doanh nghiệp Hàn Quốc ra khỏi khu công nghiệp ở Kaesong – Triều Tiên hồi tháng 2-2016, biểu tượng hợp tác cuối cùng giữa 2 bên.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Se-hyun nhận định bộ này cần tiếp tục vai trò kêu gọi Bình Nhưỡng đối thoại. Đến một ngày, có thể chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đổi ý và ngồi vào bàn đàm phán.(NLĐ)
-----------------------
Mỹ cự tuyệt đàm phán hạt nhân với Triều Tiên
Nhà Trắng ngày 2-10 một lần nữa loại trừ việc đàm phán với Triều Tiên trừ khi thảo luận về số phận của người Mỹ ở Triều Tiên.
"Chúng tôi được thông báo rõ ràng là lúc này không phải thời gian để đàm phán"- người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói, "Cuộc đối thoại duy nhất diễn ra sẽ chỉ bàn về vấn đề trao trả những người Mỹ đang bị giam. Ngoài ra, Mỹ không đàm phán với Triều Tiên vào thời điểm này".
Phát ngôn này được đưa ra dường như phủ nhận lời của Ngoại trưởng MỹRex Tillerson nói trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 30-9 rằng Mỹ đang liên lạc trực tiếp với Triều Tiên về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này, nhưng Bình Nhưỡng không thể hiện sự quan tâm tới đối thoại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cũng bác bỏ triển vọng đàm phán với Bình Nhưỡng và cho rằng đó là điều phí thời gian. "Tôi đã nói với ông Rex Tillerson, ngoại trưởng tuyệt vời của chúng ta, rằng ông ấy đang lãng phí thời gian khi cố gắng đàm phán với 'người tên lửa bé nhỏ'", Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter, sử dụng biệt danh mà ông đặt cho ông Kim Jong-un.
Tổng thống Donald Trump cho rằng ngoại trưởng Mỹ đang lãng phí thời gian khi cố gắng đàm phán với 'người tên lửa bé nhỏ'. Ảnh: Reuters
Đây không phải lần đầu tiên Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ bất đồng về vấn đề chính sách. Thế nhưng, Tổng thống Trump vẫn thể hiện sự tin tưởng Ngoại trưởng Tillerson. Khi được hỏi rằng liệu ông Donald Trump có còn tin tưởng ông Tillerson trong vai trò ngoại trưởng hay không, bà Sanders đã trả lời báo giới rằng: "Tổng thống vẫn tin tưởng".
Theo Reuters, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng ông Tillerson đã nói nhầm. "Tôi nghĩ là ông ấy đã nói nhầm. Ngoại trưởng Tillerson chỉ tiết lộ thực tế là chúng tôi có các kênh liên lạc và có thể đối thoại nếu Triều Tiên thay đổi hành vi trong tương lai"- vị quan chức trên nói.(NLĐ)